Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Ảnh hưởng thơ Lý Hạ ở Trung Quốc và Việt Nam

Tạp chí Hán Nôm >> TCHN từ 2006 về sau >> Chủ đề >> Nghiên cứu Văn bản
Phạm Thị Xuân Châu
Ảnh hưởng thơ Lý Hạ ở Trung Quốc và Việt Nam (Tạp chí Hán Nôm, Số 6(97) 2009; Tr.30-36)

Cập nhật lúc 00h00, ngày 07/12/2010

ẢNH HƯỞNG THƠ LÝ HẠ

Ở TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM

NCS. PHẠM THỊ XUÂN CHÂU

Đại học Sư phạm Hà Nội

1. Về tác gia, tác phẩm thơ Lý Hạ

1.1. Lý Hạ 李賀 (790 - 816), thi nhân kiệt xuất thời trung Đường, được hậu thế gọi là “quỷ tài”, “quỷ thi”, có tên tự là Trường Cát, người Phúc Xương (nay là huyện Nghi Dương, Hà Nam, Trung Quốc). Tổ phụ của ông ở Lũng Tây, nên thường tự xưng là Lũng Tây Trường Cát, còn gia đình ở Xương Cốc, Phúc Xương, nên còn được gọi là Lý Xương Cốc.

Theo sách Tân Đường thư (新唐书), Lý Hạ thuộc dòng dõi tôn thất Đường triều, là hậu duệ của Trịnh Vương Lý Lượng, nhưng vì phả hệ đã xa nên không được hưởng ân huệ gì của nhà vua. Cha ông là Lý Tấn Túc, từng giữ một chức quan nhỏ ở biên cương (xứ Thục), mất sớm, gia cảnh nghèo túng, sa sút. Bản thân Lý Hạ, thông minh thiên bẩm, có kỳ tài, ngay từ nhỏ đã bộc lộ tư chất văn chương, nhưng vì kị húy tên cha (“tấn” 晋 với “tiến” 进 đồng âm), nên không được tham dự kỳ thi Tiến sĩ. Con đường tiến thân, công danh bị chặn đứng. Vì kế sinh nhai bức bách mà phải chịu làm chức Phụng Lễ lang, chức quan nhỏ, tầm thường, chuyên về phục vụ việc ma chay, tế lễ. Vì thế từ tâm khảm lúc nào cũng bi phẫn, uất ức. Bao nhiêu tài hoa và tâm huyết, Lý Hạ đem hiến cho thi phú văn chương, tạo ra trong thơ một thi phong riêng. Năm 27 tuổi, ông đau buồn mà chết.

Thơ ông chép trong Toàn đường thi hiện còn 4 quyển, 234 bài. Các tuyển tập thường được định danh là Lý Hạ thi tập, Lý Trường Cát ca thi.

Về văn bản, Ngô Chính Tử đời Nam Tống chú giải thơ của Lý Hạ, đặt tên sách là Lý Trường Cát ca thi tiên chú (李长吉歌诗先注). Đó cũng là tập sách sớm nhất chú giải về tác phẩm của Lý Hạ. Tiếp theo là các bản chú giải của Từ Văn Trường (Từ Vị), Đổng Mậu Sách, Khâu Thượng Thanh…

Đời Thanh, Vương Kỳ tập hợp tất cả những ấn bản trên, cùng với thuyết giải của mình làm thành tổng hợp chú giải. Tài liệu sách này được đánh giá là “xác đáng”, “kiến giải rất tinh tường” và là “sách cần đọc nếu muốn nghiên cứu về Lý Hạ”.

Tập sách này đến năm 1959, được Trung Hoa thư cục xuất bản. Sau phần chú của Vương Kỳ, bản in mới bổ sung hai phần là Xương Cốc thi tập chú (昌谷詩集注) của Diêu Văn Nhiếp (姚文燮), và định danh toàn bộ là Tam gia bình chú Lý Trường Cát ca thi (三家评注李长吉歌詩). Sách được tái bản nhiều lần, xem là văn bản đáng tin cậy nhất về Lý Hạ.

1.2. Là một thi nhân lãng mạn, ôm ấp hoài bão và lý tưởng, lại vấp phải hiện thực đen tối, Lý Hạ trong thơ luôn bị giằng xé day dứt, đau đớn, tìm con đường giải thoát bằng ảo ảnh, hư vô: Quỷ thần phiêu diêu, hồn ma vất vưởng, mộ địa âm u, đêm đen, mùa thu và bóng tối. Điều đó càng tăng thêm trong thơ ông cái bất thường, quái dị, không hợp thế thời, trong đời cũng như trong thơ lúc nào cũng ám ảnh nỗi u sầu, bi thương, cô độc:

我當二十不得意,

一心愁谢如枯蘭

Ngã đương nhị thập bất đắc ý,

Nhất tâm sầu tạ như khô lan.

(Ta đương tuổi hai mươi mà không được như ý,

Một trái tim sầu đau, tàn tạ như nhánh lan khô).

(Khai sầu ca).

长安有男儿,

二十心已朽

Trường An hữu nam nhi,

Nhị thập tâm dĩ hủ.

(Trường An có kẻ nam nhi,

Tuổi hai mươi tim đã nát).

(Tặng Trần Thương).

壮年抱击恨,

梦泣生白头

Tráng niên bão ki hận,

Mộng khấp sinh bạch đầu.

(Ôm chặt mối hận thời trai trẻ,

Khóc trong mơ khiến ta bạc trắng mái đầu).

(Sùng nghĩa lý trệ vũ).

Từ bi kịch cá nhân cộng với sự suy vi của thời đại (bên ngoài nạn phiên trấn cát cứ, bên trong hoạn quan, Thái giám hoành hành, khống chế cả vua và các đại thần. Hiện thực chính trị đen tối, xã hội động loạn bất an), Lý Hạ trong thơ càng cảm thấy buồn đau và mẫn cảm với cái hư vô, ảo diệt, thấy cuộc đời thoảng qua mau như cơn gió vô thường. Xuất hiện trong thơ ông là một thế giới nghệ thuật hư hoang, dị thường:

漆炬迎新人

幽圹萤扰扰

Tất cự nghinh tân nhân,

U khoảng huỳnh nhiễu nhiễu.

(Ngọn đuốc đen đón người mới,

Hố huyệt sâu u tối, đom đóm lập lòe bay).

(Cảm phúng, kỳ 3).

Nguyễn Khắc Phi dịch thơ:

Lửa đen đón người mới;

Mồ hoang đom đóm bay.

Thơ Lý Hạ đạt thành tựu rất cao về mặt nghệ thuật. Hậu thế ca tụng ông là quỷ tài, và gọi thơ ông là quỷ thi. Tưởng tượng biến ảo kỳ lạ là đặc điểm nổi bật nhất của nghệ thuật thơ Lý Hạ, khiến thơ ông diễm lệ thê lương và hư hoang quái đản lạ lùng. Ông tưởng tượng con tinh xanh khóc con hồ ly chết trong giá lạnh đến nỗi nước mắt hóa thành máu: Thanh tinh khốc huyết hàn hồ tử 青猩哭血寒狐死(Thần huyền khúc). Tưởng tượng đêm mưa gió lạnh, một mảnh hương hồn ai điếu viếng người làm ra cuốn sách, và trên nấm mộ mùa thu, quỷ xướng họa ngâm nga thơ của Bảo gia; Máu hận ngàn năm tích tụ không tan hóa thành ngọc trong lòng đất:

雨冷香魂吊书客,

秋坟鬼唱鲍家诗,

恨血天年土中碧.

Vũ lãnh hương hồn điếu thư khách,

Thu phần quỷ xướng bảo gia thi,

Hận huyết thiên niên thổ trung bích.

(Thu lai).

Tưởng tượng chốn Mậu Lăng hồn ma Vũ Đế đi về trong gió thu, đêm đêm bên lăng mộ đế vương người ta nghe thấy tiếng ngựa hí mà sáng ra không còn dấu vết:

茂陵刘廊秋风客;

夜文马嘶晓无迹

Mậu Lăng Lưu lang thu phong khách;

Dạ văn mã tê hiểu vô tích.

(Kim đồng tiên nhân từ Hán ca)

Các học giả Trung Quốc cho rằng tưởng tượng của Lý Hạ gần với ảo tưởng của một thiên tài bệnh hoạn mà người thường không với tới được.

Là hiện tượng độc đáo của thơ ca Trung Quốc cổ đại, thơ Lý Hạ có một sức sống mãnh liệt và ảnh hưởng sâu sắc tới các thi nhân thời kỳ trung Vãn Đường cũng như các thời kỳ sau này.

2. Ảnh hưởng thơ Lý Hạ ở Trung Quốc

2.1. Thời kỳ trung - vãn Đường, việc tiếp thụ và phê bình thơ Lý Hạ khá sôi nổi. Đối tượng tiếp thụ bao gồm cả quan thần, tướng mạc, văn sĩ, từ nhân, tăng lữ, nhạc công, cùng nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội, trong đó có thầy học và bạn học của Lý Hạ. Tài năng và thơ từ của Lý Hạ ngay lúc đương thời đã được hoan nghênh. Càng về sau càng nhiều người ngưỡng mộ như thi nhân hậu vãn Đường, các văn sĩ từ nhân thời Ngũ Đại. Vi Trang trong một bản tấu chương gửi cho Hoàng thượng yêu cầu truy ban cho Lý Hạ được “đẳng nhập Tiến sĩ cập đệ”, Đỗ Mục, Tôn Quang Tuyển cũng có những chỉ xuất về Lý Hạ. Khi so sánh Lý Hạ với Ly Tao, Đỗ Mục chỉ ra “Lý tuy bất cập, từ hoặc quá chi” 理虽不及辞或过之(Lý tuy không bằng, từ có chỗ còn hơn).

Ngoài ra, mọi người đặc biệt cảm thương tuổi hoa niên tài hoa của Lý Hạ, và ngưỡng mộ về thi phong của ông. Cũng trong thời kỳ vãn Đường, đã hình thành chủ thể ý thức nhất đán về Lý Hạ. Chẳng hạn Đỗ Mục cho rằng Lý Hạ thuộc hàng miêu duệ của Ly Tao “Tao chi miêu duệ” (骚之苗裔), Trương Bích thì cho rằng phong cách thơ Lý Hạ là kỳ lạ, ngòi bút mạnh mẽ, sắc sảo, Thẩm Á Chi thì tôn sùng cú lệ thanh từ của cung thể và thơ nhạc phủ của Lý Hạ, đặc biệt bài Tựa của Đỗ Mục với sự khái quát phong cách thơ Lý Hạ là “ngưu quỷ thần xà”, đã khiến hậu thế đều lưu truyền ý thức về thi phong Lý Hạ. Thêm vào đó, khi xét ngọn nguồn thi phong Lý Hạ, mọi người thường so sánh Lý Hạ với Lý Bạch. Chính bởi vậy sau này, người đời Tống khi luận thơ của hai vị họ Lý này, thường đưa ra thuyết “tiên tài”, “quỷ tài” là như vậy.

2.2. Thời Tống, trong tiếp thụ phê bình thơ Lý Hạ, xuất hiện nhiều quan điểm trái ngược, có những ý kiến không dựa vào quan điểm chính diện của người đời Đường, bởi vậy đã tạo ra một diện mạo phê bình hết sức đa dạng nhiều chiều.

Trong số những người phê phán, chỉ trích, có thể kể đến Thạch Giới, Trương Biểu Thần, Lục Du, Trương Giới, Ngao Dao Tôn, Sử Thằng Tổ, Đái Phục Cổ… họ là những người chủ yếu bất mãn với cái “vô lý” (無理) và “Ngưu quỷ thần xà quá mức” (牛鬼神蛇太甚) của thơ Lý Hạ. Trương Biểu Thần cho rằng, Lý Trường Cát câu thơ bỏ túi, không phải là không kỳ lạ, nhưng ngưu quỷ thần xà thì thực là quá mức, Trương Giới thì cho rằng Hạ lấy từ làm chủ, mà chỗ mất là lý, giống như Nguyên, Bạch, Trương Bích lấy ý làm chủ, mà chỗ mất là văn. Các tác giả Lục Du, Ngao Dao Tôn, Sử Thằng Tổ, Đới Phục Cổ, cũng đều có một cái nhìn như vậy về Lý Hạ.

Những người khen ngợi, tán thưởng đối với thơ Lý Hạ, gồm có Tống Kỳ, Trương Lỗi, Chu Tử Chi, Nghiêm Vũ, Lưu Khắc Trang, Trương Đàm, Thẩm Nghĩa Phụ, Ngô Chính Tử, Lưu Thần Ông, Chu Mật. Trong việc phê bình thơ Lý Hạ, người đời Tống tổng kết ba điểm đặc sắc như sau:

Một là, khi cho Lý Hạ là “quỷ tài”, thường so sánh Lý với các đại thi nhân đời Đường, đối tượng so sánh nhiều nhất là Lý Bạch.

Hai là, người đời Tống khi luận thơ Lý Hạ một mặt cường điệu thiên tư thông tuệ, một mặt lại nhấn mạnh sự rèn luyện khổ ngâm, hai phương diện đó kết hợp lại chính là điều kiện tất yếu tạo nên thành tựu của một vị đại thi nhân.

Ba là, người đời Tống trong việc tiếp thụ, phê bình đã tổng hợp luận điểm về một lưu phái thơ ca đặt tên là Lý Trường Cát thể (李長吉体). Nghiêm Vũ trong Thương Lãng thi thoại (沧浪诗话) đề cao thơ Lý Hạ: “Trong trời đất này không thể thiếu những vần thơ đẹp đẽ hư ảo của Trường Cát được”(1).

Thời kỳ Bắc Tống, ảnh hưởng của Lý Hạ cũng rất sâu sắc. Tống Kỳ luôn luôn nói học tập thơ Lý Hạ. Tần Quan trong các bài thơ của mình luôn chú một cách rõ ràng “Nghĩ Lý Hạ” 擬李賀 (Mô phỏng Lý Hạ). Tiêu Quán Chi, Lưu Khắc Trang trong nhiều bài thơ đều ghi “Hiệu Lý Trường Cát thể” 效李長吉体 (Làm theo thể Trường Cát). Mai Nghiêu Thuần hết mực ca tụng Trường Cát trong thơ. Trương Lỗi những năm cuối đời, đã hai lần tìm về nơi ở cũ của Lý Hạ, bồi hồi đi lại trong vườn cũ hoang lương của sơn hoa tịch mịch. Người đã vắng, chỉ còn lại lầu không, cảm khái thế sự trần ai và tình ngưỡng mộ đối với vị thiếu niên tài tử Lý Hạ, ông đã viết sáu bài thi chương hoài niệm.

2.3. Các thời kỳ sau này, nhiều thi nhân ở các thời đại Nguyên, Minh, Thanh cũng chịu ảnh hưởng thơ Lý Hạ hết sức sâu đậm.

Hách Kinh (1223 - 1275), đầu đời Nguyên có tác phẩm Lăng Xuyên thi tập, chịu ảnh hưởng Lý Hạ rất đậm. Ông tỏ ra tôn sùng Lý Hạ và thường cảm thán không may không được sống cùng thời đại. Cách dùng từ ngữ của ông chịu ảnh hưởng của Lý Hạ, nhưng thơ ca của ông không có chiều sâu về mặt kinh nghiệm bản thân như Lý Hạ, mà ngược lại có sức mạnh ngoại hướng.

Dương Duy Trinh (1296 - 1370), là người mở đầu cho phái “Tánh linh” đầu đời Minh, thường lấy cổ nhạc phủ có tính tự do phóng túng làm thể loại sáng tác. Thơ của ông có tư duy mới lạ và những từ vựng kỳ quái của Lý Hạ, nhưng không có tính âm u, lạnh lẽo, nặng nề như của Lý Hạ.

Từ Vị đời Minh (1521 - 1593) hết sức tôn sùng Lý Hạ. Sáng tác của ông cũng có tính bí hiểm, kỳ quái, u buồn thể hiện một nội tâm không bao giờ yên ổn mà luôn dao động, bất an. Tương tự câu thơ “Quân vương kim giải kiếm; Hà xứ trục anh hùng?” của Lý Hạ trong bài Mã thi, thơ Từ Vị cũng thể hiện một ý chí không sao dập tắt được, nỗi buồn của người anh hùng sa chân không biết hướng về đâu. Hoàn cảnh của Từ Vị cũng có nét giống với Lý Hạ, sinh ra trong gia đình quan liêu, phá sản, sa sút, bản thân có thiên tài, cá tính cô độc, kiêu ngạo và cứng cỏi, cuộc đời trải qua bao khó khăn, hoạn nạn và đau khổ, những điên loạn, muốn tự sát. Tình cảm và cá tính ấy không thể bị ràng buộc. Tâm trạng đau khổ trong hoàn cảnh bất đắc chí, nhưng cá tính thì không cam tâm dựa vào kẻ khác.

Thời nhà Thanh, học tập thơ ca Lý Hạ có Ngô Vĩ Nghiệp (1609 - 1672), Tống Uyển (1614 - 1674), Cố Viêm Võ (1613 - 1682), Vương Sĩ Chân (1634 - 1711). Tống Uyển có bài Sơ thu tức sự, Vương Sĩ Chân có bài Từ nhân tư thu dạ hoài cựu, làm vào năm Thuận Trị thứ 13 (1657) khi tác giả 25 tuổi đều mang dấu ấn Thi phong Trường Cát thể. Đặc biệt bài Thu liễu, tứ thủ của Vương Sĩ Chân được ông làm một năm sau đó. Ngôn ngữ và ý tưởng diễm lệ thể hiện cảm giác thâm trầm về ảo diệt, những nỗi bi ai do lịch sử để lại, thể hiện nỗi xót xa ngậm ngùi rất giống với Lý Hạ: "… Mạc thính lâm phong tam lộng địch; Ngọc Quan ai oán tổng nan luân".

Vương Sĩ Chân đề xướng và sáng tác theo thuyết “Thần vật” (vịnh vật mà không dính líu gì tới sự vật, đề cập tới lịch sử mà không dính líu gì tới lịch sử, chỉ muốn truyền đạt sự thương cảm trong cuộc sống của bản thân do sự biến đổi của lịch sử và tự nhiên mang tới, tức là sự thương cảm do tất cả những gì tốt đẹp không thể tồn tại mãi mãi trước thời gian mà nhất định sẽ dần tiêu tan hủy diệt). Nghệ thuật biểu hiện dùng hình tượng đẹp đẽ, thanh vận uyển chuyển để thể hiện một cách mập mờ, sinh động, cảm thụ được mà không thể chỉ rõ nét, yêu cầu thơ ca phải cao diệu, âm vận tự nhiên giàu ý vị ngoài lời nói. Thơ của ông giống với Lý Hạ, là bức tranh đẹp đẽ, tình cảm cô độc, gần như có, gần như không, có khi siêu thực, ảo diệu, tính hình tượng và tính truyền cảm rất cao.

Rõ ràng là sự ảnh hưởng của thi phong Lý Hạ khá sâu sắc trải dài suốt triều đại Trung Hoa.

3. Thơ Lý Hạ ở Việt Nam

Nếu như ở Trung Quốc, Lý Hạ được xem là một hiện tượng văn học đặc biệt của thơ ca Trung Quốc cổ đại, thì ở Việt Nam, Lý Hạ được ít người biết đến, thậm chí ngay trong giới nghiên cứu văn học cũng không phải ai cũng quan tâm tới Lý Hạ. Tìm hiểu Lý Hạ ở Việt Nam, cả trong dịch thuật và nghiên cứu còn thưa thớt, ít ỏi. Tuy nhiên, Lý Hạ và thơ của ông đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất sớm.

Những năm 60 của thế kỷ XX, trong khi biên dịch bộ Lịch sử văn học Trung Quốc của Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, các học giả đã tiếp cận thơ Lý Hạ. Cuộc đời và thơ Lý Hạ đã được giới thiệu trong tập 2, phần Văn học đời Đường. Sau đã khi tái bản, giáo sư Nguyễn Khắc Phi trong phần dịch giới thiệu về Lý Hạ đã chú giải cặn kẽ. Thơ Lý Hạ được nhìn nhận ở các khía cạnh: Thi phong thê lương và diễm lệ, tưởng tượng kỳ lạ và phong phú, chất trữ tình nồng đượm, kế thừa Sở từ, học tập thơ Tề Lương, tạo nên một phong cách nghệ thuật độc đáo: “… Kỳ lạ, phóng túng, tươi đẹp buồn thương, cố tâm theo đuổi cái mới lạ khiến cho thơ ca của ông tuyệt nhiên khác thường”(2). Các tác giả nhấn mạnh thành tựu và ảnh hưởng của thơ Lý Hạ đối với lịch sử văn học và đánh giá: Lý Hạ là một trong những nhà thơ cổ đại kiệt xuất của Trung Quốc, tuy một số bài thơ của ông thể hiện khuynh hướng “hình thức chủ nghĩa”.

Ngoài ra, thơ Lý Hạ còn được giới thiệu trong các tuyển dịch thơ Đường như Đường thi tinh tuyển của Duy Phi, Đường thi tuyển dịch của Lê Nguyễn Lưu, Từ điển văn học bộ mới Đỗ Đức Hiểu chủ biên, Trần Lê Bảo viết phần giới thiệu Lý Hạ, và trong Từ điển văn học cổ Trung Quốc của Nguyễn Tôn Nhan (Tác giả dẫn thơ Lý Hạ để minh họa cho các đặc điểm phong cách “hùng kỳ”, “ngụy quái” của thơ cổ Trung Quốc).

Năm 1995, trong bài tổng quan về diện mạo thơ Đường, tác giả Lê Đức Niệm nhận xét: “Lý Hạ sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn. Những tác phẩm của ông đều có ký thác tâm sự cá nhân, nhưng cũng có nhiều nét của cuộc sống hiện thực, dùng bút pháp tượng trưng để gửi gắm lý tưởng và nỗi u sầu”(3).

Năm 2000, Nguyễn Tôn Nhan trong bài Thơ siêu thực của Lý Hạ cho rằng Lý Hạ đời Đường đã làm thơ siêu thực. Tác giả nhận xét “Thơ ông thích miêu tả cảnh giới siêu hiện thực với ảo giác thần kỳ quái đản… Nhiều bài thơ có sắc thái nồng diễm, lạnh lẽo, thê lương, chữ dùng lại tân kỳ, mới lạ”(4).

Năm 2001, Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành bộ Trung Quốc văn học sử, Phạm Công Đạt dịch từ bộ sách cùng tên do hai học giả Trung Quốc là Chương Bồi Hoàn, Lạc Ngọc Minh chủ biên (Hạ Đán đại học xuất bản xã tháng 3 năm 1996). Lý Hạ đã được nhìn nhận và phân tích rất cụ thể, sâu sắc. Các tác giả nhấn mạnh phẩm chất tư duy và tưởng tượng lạ lùng của nhà thơ: “Trí tưởng tượng của Hàn Dũ quái lạ, nhưng sang trọng và hoa lệ, mang rõ dấu vết con người muốn vươn tới. Trái lại, trí tưởng tượng của Lý Hạ gần với ảo tưởng của một thiên tài bệnh hoạn mà người thường không sao với tới được”(5).

Cũng năm 2001, Nhà xuất bản Trẻ xuất bản cuốn Lý Hạ, quỷ tài, quỷ thi của Huỳnh Ngọc Chiến. Tác giả dịch 53 bài thơ của Lý Hạ, có chú giải và lời bình, kèm theo phần dịch lời Tựa của Đỗ Mục, Lý Hạ tiểu truyện của Lý Thương Ẩn, cùng những bài thơ, lời bình chú của người xưa về Lý Hạ. Đây là một công trình đầy tâm huyết của một người có tấm lòng tri âm sâu sắc với Lý Hạ.

Việc tuyển dịch, thơ Lý Hạ ở Việt Nam còn rất hãn hữu. Chẳng hạn tập Thơ Đường tập 2 (Nam Trân tuyển chọn), thơ Lý Hạ được dịch hai bài. Các dịch giả Duy Phi, Lê Nguyễn Lưu trong các cuốn tuyển dịch của mình cũng dành cho Lý Hạ một vị trí hết sức khiêm tốn. Duy Phi dịch hai bài (Nam viên, bài 1, và Xương Cốc bắc viên tân duẩn tứ thủ, bài 1), Lê Nguyễn Lưu cũng dịch hai bài trên và thêm bài Mộng thiên. Trong tập Đường thi tam bách thủ của Trung Quốc do Hoành Đường Thoái Sỹ tuyển chọn, Ngô Văn Phú dịch cũng không có thơ Lý Hạ. Có thể nói, Lý Hạ là một thiên tài không được biết đến nhiều ở Việt Nam. Người dịch Lý Hạ nhiều nhất cho đến thời điểm này là Huỳnh Ngọc Chiến. Tuy nhiên, thơ Lý Hạ rất khó dịch cho nên dịch cho hay là điều không dễ dàng. Cũng qua Lý Hạ quỷ tài quỷ thi của Huỳnh Ngọc Chiến, chúng tôi được biết trước 1975, nhà sư Tuệ Sĩ đã rất tâm huyết với Lý Hạ, nhưng do những biến động lịch sử mà công trình ấy đã không thể hoàn tất, và bản thảo không biết thất lạc về đâu.

Tóm lại, Lý Hạ và thơ của ông có một ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đối với lịch sử văn học Trung Quốc mà còn có sức hút mãnh liệt đối với học giới hải ngoại. Điều đó xác lập vị trí quan trọng của ông trong tiến trình văn học sử cũng như trong tiếp thụ, thưởng thức, phê bình.

Chú thích:

(1) Trần Hữu Băng: Sự tiếp thụ của đời Đường - Tống đối với thơ Lý Hạ, Văn học bình luận, kỳ 1, năm 2008.

(2) Lịch sử văn học Trung Quốc, tập 2, Dư Quán Anh, Tiền Chung Thư, Phạm Ninh chủ biên, bộ phận Đường - Tống (Lê Huy Tiêu, Lê Đức Niệm… dịch), Nxb. Giáo dục, H. 1993.

(3) Lê Đức Niệm: Diện mạo thơ Đường, Nxb. Văn hóa - Thông tin và Trường ĐHTH Hà Nội, 1995.

(4) Nguyễn Tôn Nhan: Thơ siêu thực Lý Hạ (Tạp chí Văn chương 5), Nxb. Thanh niên, 2000.

(5) Chương Bồi Hoàn, Lạc Ngọc Minh: Trung Quốc văn học sử, Nxb. Phụ nữ, 2000./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 6(97) 2009; Tr.30-36)

In

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét